Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Văn Đăng kiểm tra công tác cải cách hành chính tại huyện Tuy Phong
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Văn Đăng kiểm tra công tác cải cách hành chính tại huyện Tuy Phong
Ngày 30/10/2024, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Phan Văn Đăng đã tiến hành kiểm tra công tác cải cách hành chính (CCHC) tại huyện Tuy Phong, cùng tham gia kiểm tra có Sở Nội vụ, Văn phòng UBND tỉnh. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Phan Văn Đăng đã trực tiếp kiểm tra tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Tuy Phong và làm việc với Thường trực Huyện uỷ, UBND huyện Tuy Phong và các phòng, ban có liên quan.
Ảnh: Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Phan Văn Đăng kiểm tra tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Tuy Phong
Trong thời gian qua, tập thể lãnh đạo UBND huyện Tuy Phong cùng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn huyện đã có nhiều nỗ lực, phấn đấu, thực hiện tốt các nhiệm vụ trong lĩnh vực được phân công, nhất là việc thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch CCHC và nhiệm vụ chủ yếu UBND tỉnh giao trong công tác CCHC.
Kết quả đánh giá, xếp loại chỉ số CCHC năm 2023 của UBND huyện Tuy Phong (theo Quyết định số 16/QĐ-UBND ngày 05/01/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh) đạt 67,29/97 điểm (69,37%) xếp loại Khá, đứng thứ 8/10 huyện, thị xã, thành phố (năm 2022 chỉ số đạt 63,58% - xếp loại Trung bình và xếp thứ 10/10 huyện, thị xã, thành phố).
Trong năm 2024, UBND huyện Tuy Phong đã ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành CCHC, kế hoạch khắc phục tồn tại, hạn chế qua kết quả công bố chỉ số CCHC năm 2023, kế hoạch thực hiện chủ đề năm 2024 về nâng cao năng lực cạnh tranh, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp và cải thiện các chỉ số PAR Index, SIPAS, PAPI, PCI của huyện Tuy Phong trong năm 2024 và các văn bản chỉ đạo điều hành có liên quan. Địa phương đã tiến hành kiểm tra 04/12 phòng chuyên môn và 11/11 xã, thị trấn; thực hiện tuyên truyền với nhiều hình thức, nội dung về CCHC, đăng tin bài trên Trang thông tin điện tử huyện. UBND huyện Tuy Phong đã ban hành Quyết định số 2813/QĐ-UBND ngày 23/7/2024 quy định về đánh giá, xếp loại công tác CCHC đối với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện.
UBND huyện Tuy Phong ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện kiểm soát TTHC năm 2024 đảm bảo quy định; niêm yết TTHC có gắn mã QR; công khai thông tin tiếp nhận và giải quyết phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức đối với TTHC thuộc thẩm quyền, thực hiện quy định về bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy trong giải quyết TTHC; công khai quyết định về kế hoạch sử dụng đất năm 2024 của địa phương; triển khai thực hiện việc số hoá kết quả giải quyết TTHC, thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Địa phương đã hoàn thành việc ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các phòng chuyên môn theo quy định; thực hiện sắp xếp, bố trí số lượng lãnh đạo quản lý các cơ quan, đơn vị theo quy định; thực hiện tinh giản biên chế hành chính, sự nghiệp đảm bảo lộ trình và tỷ lệ theo các kế hoạch của UBND tỉnh và triển khai xây dựng kế hoạch biên chế, số lượng người làm việc năm 2025 theo quy định. Địa phương đã hoàn thành xây dựng Đề án và trình phê duyệt vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp của các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập theo đúng quy định và tiến độ được giao.
UBND huyện Tuy Phong xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức của địa phương đảm bảo kế hoạch đề ra, cử 62 cán bộ, công chức tham gia các lớp bồi dưỡng. Cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thể hiện đầy đủ, kịp thời các trường thông tin; thực hiện tốt Quy chế quản lý, cập nhật, sử dụng, khai thác, phê duyệt dữ liệu, thông tin của Cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tỉnh Bình Thuận.
Bên cạnh đó còn một số hạn chế như việc giải quyết TTHC thuộc lĩnh vực đất đai có chuyển biến nhưng vẫn còn nhiều hồ sơ quá hạn so với thời gian quy định. Trong năm 2024, một số phòng chuyên môn thuộc UBND huyện Tuy Phong chưa ban hành Kế hoạch triển khai nhiệm vụ CCHC. Việc xây dựng kế hoạch khắc phục qua đánh giá, xếp loại CCHC năm 2023 chưa được các phòng chuyên môn quan tâm, thực hiện. Kế hoạch CCHC của Phòng Kinh tế - Hạ tầng chưa đảm bảo theo yêu cầu, đưa vào kế hoạch các nội dung chỉ tiêu, nhiệm vụ không thuộc thẩm quyền. Theo báo cáo của UBND huyện Tuy Phong, các nội dung trên đã được triển khai khắc phục: 02 phòng chuyên môn đã xây dựng kế hoạch CCHC năm 2024; 08 phòng chuyên môn đã xây dựng kế hoạch khắc phục tồn tại hạn chế sau kết quả xếp loại chỉ số CCHC của huyện năm 2024. Kế hoạch rà soát, đánh giá TTHC năm 2024 chưa cụ thể nội dung, tiến độ, chưa phân công nhiệm vụ cho phòng chuyên môn có TTHC được yêu cầu rà soát trong năm 2024. Việc ban hành quy trình điện tử TTHC của địa phương trong năm 2024 chưa kịp thời.
Qua đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Phan Văn Đăng đã chỉ đạo huyện Tuy Phong tập trung các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới: Đề cao vai trò người đứng đầu trong công tác chỉ đạo CCHC tại địa phương; chỉ đạo, triển khai đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ CCHC theo kế hoạch đề ra và Kế hoạch số 497/KH-UBND ngày 07/02/2024 của UBND tỉnh về nâng cao năng lực cạnh tranh, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp và cải thiện các chỉ số PAR Index, SIPAS, PAPI, PCI của tỉnh Bình Thuận trong năm 2024. Đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách TTHC và triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số trong hoạt động cơ quan nhà nước tại địa phương. Đảm bảo tối thiểu 50% số hồ sơ được giải quyết trực tuyến; giải quyết hồ sơ TTHC đúng hẹn đạt tỷ lệ 98% trở lên; chỉ tiêu số hóa thành phần hồ sơ đầu vào và kết quả giải quyết TTHC đảm bảo tối thiểu đạt 80%. Phân công lãnh đạo UBND huyện phụ trách định kỳ hằng tuần theo dõi tình hình, kết quả giải quyết hồ sơ TTHC để chỉ đạo thực hiện ngay các giải pháp cụ thể khắc phục tình trạng hồ sơ trễ hẹn, tồn đọng. Khi phát sinh hồ sơ trễ hẹn phải thực hiện đúng quy định việc xin lỗi; đồng thời phân tích rõ nguyên nhân, xác định cụ thể trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân để đề ra giải pháp khắc phục. Thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, luân chuyển và xử lý hồ sơ TTHC liên thông trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC (đảm bảo 100% hồ sơ được cập nhật vào hệ thống). Trạng thái, thời gian xử lý hồ sơ trong thực tế phải trùng khớp với trạng thái, thời gian xử lý hồ sơ trên hệ thống (đặc biệt, không để xảy ra trường hợp hồ sơ trong thực tế đã giải quyết xong, trả kết quả nhưng trên hệ thống vẫn còn trạng thái đang xử lý). Nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ công chức, viên chức trong giải quyết hồ sơ TTHC của tổ chức, người dân. Tổ chức khắc phục ngay tình trạng hồ sơ trễ hẹn trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực đất đai thuộc thẩm quyền tham mưu giải quyền của địa phương./.
Phòng Cải cách hành chính - Sở Nội vụ