Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đi đầu trong ứng dụng AI diện hẹp
Nhiều đơn vị trong Bộ TT&TT đang phối hợp cùng các
doanh nghiệp để phát triển AI diện hẹp, phục vụ cho hoạt động quản lý, điều
hành.
Sáng ngày 2/5,
Bộ TT&TT đã tổ chức hội nghị Giao ban quản lý Nhà nước tháng 4/2024. Hội
nghị do Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì, với sự tham dự của Thứ trưởng Phạm
Đức Long, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Phan Tâm, Thứ trưởng Nguyễn
Thanh Lâm cùng lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.
Muốn trợ lý ảo hay, dữ liệu phải chuẩn
Một trong những điểm nhấn của hội nghị là tham luận về
việc sử dụng trợ lý ảo, chatbot để hỗ trợ nghiệp vụ thông tin đối ngoại. Sản
phẩm này do Cục Thông tin đối ngoại (Bộ TT&TT) và Công ty Cổ phần Misa phối
hợp phát triển từ tháng 4/2023.
Khác với các trợ lý ảo thông thường, đây là chatbot AI
được đào tạo bằng nguồn dữ liệu đầu vào là kho tri thức chọn lọc kỹ càng về
thông tin đối ngoại. Hiện chatbot đã được đưa vào chạy thí điểm tại website
vietnam.vn.
heo Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại Phạm Anh Tuấn,
trợ lý ảo thông tin đối ngoại được phát triển dựa trên nguyên lý AI diện hẹp.
Chatbot này có thể trả lời nhiều thông tin về lĩnh vực đối ngoại, qua đó hỗ trợ
nghiệp vụ cho những người làm công tác thông tin đối ngoại Việt Nam.
Tại hội nghị, Cục Thông tin đối ngoại đã demo trực
tiếp, người dùng đặt câu hỏi để chatbot trả lời, sau đó mọi người cùng đưa ra
nhận xét.
Chia sẻ quan điểm về cách làm trợ lý ảo, Bộ trưởng
Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, mấu chốt của AI là dữ liệu đầu vào. Chất lượng trợ
lý ảo sẽ phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng dữ liệu dùng để đào tạo.
“Tài sản của các đơn vị làm trợ lý ảo là dữ liệu
chứ không phải công nghệ AI. Dữ liệu tốt sẽ có trợ lý ảo tốt. Các cơ quan, đơn
vị muốn xây dựng trợ lý ảo thì phải xây dựng hệ tri thức của mình”, Bộ
trưởng nhận định.
AI càng hẹp càng tốt, càng hẹp càng thông minh. AI
xuất sắc nhất là AI riêng cho từng người. Do vậy, Bộ trưởng định hướng Misa cần
tập trung phát triển các AI diện hẹp, xuất phát từ nguồn dữ liệu đầu vào chất
lượng.
Nền tảng này phải có công cụ để người dùng đẩy thêm
câu trả lời mới, theo hướng người dùng chủ động dạy AI, từ đó tăng niềm tin của
người sử dụng AI và giảm công sức hỗ trợ của đơn vị phát triển.
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, các đơn
vị trong Bộ TT&TT sẽ phát triển AI dùng cho đơn vị mình, với một số nhà
cung cấp nền tảng khác nhau để có sự so sánh. Bộ TT&TT sẽ đi đầu trong việc
ứng dụng AI diện hẹp.
Chuyển đổi số thành công cần cách làm hiệu quả
Theo Bộ trưởng, để quản trị Nhà nước tốt, bên cạnh các
quy định cần phải có cả hạ tầng, trên đó là các công cụ và nguồn nhân lực thực
hiện. Để AI đi vào đời sống, cần phải có các quy định. Bộ TT&TT sẽ soạn
thảo đề xuất về quy định quản lý AI, dựa trên kinh nghiệm quốc tế, rồi trình
lên Thủ tướng giao cho các bộ, ngành cùng thực hiện.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhắc lại 8 ý quan trọng đã
được Bộ trưởng phát biểu tại phiên họp thứ 8 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số. Đó là những đúc rút của Bộ TT&TT sau 4 năm triển
khai chuyển đổi số.
Theo đó, để chuyển đổi số hiệu quả, vấn đề đầu tiên là
"tiền đâu" và tiêu tiền sao cho khả thi, không để xảy ra tai nạn. Các
địa phương, bộ, ngành chưa hiểu chuyển đổi số cần phải làm gì, làm như thế nào,
do vậy, cần thí điểm tại một nơi, sau đó nhân rộng ra cả nước. Bộ TT&TT sẽ
sớm có đánh giá tổng kết việc triển khai dịch vụ công trực tuyến, trung tâm
điều hành thông minh và trợ lý ảo tòa án để tiến tới việc nhân rộng.
Thời chuyển đổi số xuất hiện các nền tảng dùng chung,
các nền tảng Trung ương. Cần làm rõ Trung ương làm gì, địa phương làm gì để dễ
thực hiện. Bên cạnh đó, với những việc mới, trừu tượng, chưa làm bao giờ, Bộ
TT&TT cần có hướng dẫn chi tiết, cầm tay chỉ việc để các nơi đều có thể làm
được.
Trí tuệ nhân tạo đã vào giai đoạn ứng dụng rộng rãi.
Trong Quý 2/2024, Bộ TT&TT sẽ đưa ra một số ứng dụng mẫu, theo hướng AI
càng hẹp thì càng dễ huấn luyện, càng thông minh, càng hiệu quả. AI của mình
thì mình phải huấn luyện, bằng dữ liệu của mình.
Chuyển đổi số cần hạ tầng chuyển đổi số, trên đó là
các ứng dụng. Nhà nước phải đầu tư xây dựng hạ tầng chuyển đổi số. Trong Quý
2/2024, Bộ TT&TT sẽ làm rõ các “stacks” của hạ tầng chuyển đổi số là gì, ai
đầu tư và bao giờ xong.
Chuyển đổi số diễn ra rất rộng, nếu không giám sát sẽ
không quản lý được. Theo đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, hiện tại số
liệu báo cáo giấy lệch với online rất nhiều, do đó, kết nối để quản lý online
là bắt buộc. Quản lý online chính là quản trị số, một trong 4 trụ cột của kinh
tế số. Bộ TT&TT cũng sẽ đưa ra các công thức thành công về chuyển đổi số
theo hướng ngắn gọn, đúng bản chất để các bộ, ngành, địa phương dễ hiểu, dễ
làm.
Văn phòng Sở
Nguồn: vietnamnet.vn