Cảnh báo mưa, ngập kịp thời nhờ ứng dụng AI
Lượt xem: 61

Cảnh báo mưa, ngập kịp thời nhờ ứng dụng AI

 

Nhờ triển khai ứng dụng AI trong việc đo lượng mưa, ngập ở TPHCM mà nhiều khu vực đã chủ động ứng phó kịp thời. Đây cũng là bước tiến mới trong việc dự báo thời tiết ở khu vực Nam Bộ.

anh tin bai

AI nâng cao dự báo mưa, ngập và thời tiết

AI đang được ứng dụng mạnh mẽ trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, đặc biệt trong dự báo mưa và ngập lụt. Tại TPHCM, Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ đã triển khai hệ thống sử dụng AI để dự báo ngập, lụt đô thị, điển hình là tại TP Thủ Đức từ năm 2022. AI được tích hợp với dữ liệu radar thời tiết, cho phép cảnh báo trước 2-3 giờ về các hiện tượng mưa lớn, giúp đưa ra các giải pháp ứng phó kịp thời.

AI cũng được đưa vào để cảnh báo tự động bản tin sét trên khu vực Nam Bộ, giảm rất nhiều các công đoạn thủ công. Đối với bản tin cảnh báo giông, sét, hạn cực nắng, thông thường dự báo viên phải liên tục theo dõi về dữ liệu quan trắc, mây vệ tinh, radar… nhưng khi có AI chỉ cần thiết lập hệ thống cho máy học sau đó, AI sẽ cho ra những cảnh báo tự động. Bất cứ đêm, ngày, lễ, Tết… chỉ cần có dấu hiệu mưa lớn, giông sét, AI sẽ ra bản tin cảnh báo. Dự báo viên chỉ cần theo dõi, kiểm tra lại những tính toán chưa phù hợp để điều chỉnh bản tin và phát hành.

Bên cạnh việc ước lượng mưa, thông qua việc sử dụng công cụ, có thể thấy được sự dịch chuyển của khối mây. Từ đó, xác định được khu vực ảnh hưởng để đưa ra dự báo và cảnh báo, nhất là những trường hợp có khả năng gây mưa lớn cục bộ.

So với phương pháp truyền thống, AI không chỉ rút ngắn thời gian xử lý dữ liệu mà còn giảm bớt các công đoạn thủ công. Đây là bước tiến lớn trong việc nâng cao hiệu quả và tính chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai.

Tăng hiệu quả và độ chính xác nhờ AI

Trước đây, sử dụng các phương pháp mô hình toán cũng mất thời gian và đòi hỏi hệ thống máy tính cao nhưng khi có AI chỉ cần có máy chủ sau khi được học thì các bài toán xử lý dữ liệu rất nhanh, độ tin cậy cao. Thông thường khi dự báo định lượng mưa thủ công đưa ra so với thực tế đạt 70-80%, trong khi AI có thể giúp tăng 1-2% mức độ chính xác.

“Chúng tôi cũng đang từng bước triển khai, thử nghiệm dự báo về mực nước trong thủy văn, dự báo hạn mặn, hạn hán. Hiện nay gần như tất cả các bản tin dự báo đều được áp dụng AI. AI hiện nay là xu thế chung của thế giới, có nhiều ưu điểm, xử lý nhanh, giúp giảm nhân công, các công đoạn thủ công, chuyển đổi số nhanh” - ông Lê Đình Quyết - Trưởng phòng dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ - cho hay.

Tại TPHCM, người dân cũng có thể thông qua ứng dụng UDI Maps để tránh được ngập khi lưu thông trên đường. Đây là ứng dụng do Công ty Thoát nước đô thị TPHCM phát triển.

Khi xảy ra mưa, trạm quan trắc đặt tại các vị trí quan trọng sẽ đo đạc, gửi dữ liệu về máy chủ được phân tích bằng AI và đưa ra cảnh báo. Nếu cho phép thông báo, người dùng còn có thể nhận cảnh báo về các điểm ngập nước ngay khi thông tin được cập nhật lên ứng dụng.

Văn phòng Sở

Nguồn: https://laodong.vn

Đăng nhập
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang