Tài
sản số tại Việt Nam: Lợi ích và thách thức
Việc có một khung pháp lý rõ ràng, đồng bộ và tiên tiến là yếu
tố quyết định để phát triển tài sản số, từ đó thúc đẩy nền kinh tế số.
Dự thảo luật Công nghiệp công nghệ số (CNCNS) được hoàn thiện
và trình Quốc hội thông qua vào tháng 5.2025 tới. Để chuẩn bị cho điều này, hội
thảo “Pháp lý tài sản số trước thềm ban hành Luật Công nghiệp Công nghệ số”, vừa được
tổ chức tại TPHCM hôm 6.12, do Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền
thông (Bộ TTTT) phối hợp với Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) tổ chức.
Đây là hội thảo lần thứ 10 nhằm góp ý Luật CNCNS và hành
lang pháp lý Tài sản số, tài sản mã hoá mà VBA đã trực tiếp tổ chức từ cuối năm
2022 đến nay.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Lê Nam Trung, Phó Cục trưởng Cục
Công nghiệp Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và truyền thông
nhấn mạnh tài sản số đang trở thành một yếu tố quan trọng đối với hoạt động nền
kinh tế số trong thời gian tới.
Theo ông, vai trò của tài sản số thể hiện rõ ở 3 khía cạnh.
Đầu tiên, nó thúc đẩy đổi mới sáng tạo và năng suất lao động. Các dữ liệu lớn
(big data) và công nghệ chuỗi khối (blockchain) giúp tối ưu hóa quy trình sản
xuất, quản lý chuỗi cung ứng và ra quyết định dựa trên dữ liệu.
Tài sản số cũng góp phần tăng tính minh bạch và hiệu quả
trong giao dịch. Các vấn đề xoay quanh tài sản số, như hợp đồng thông minh
(smart contracts), cho phép thực hiện giao dịch một cách an toàn, nhanh chóng,
và không cần qua trung gian, góp phần giảm chi phí và rủi ro.
Trên hết, tài sản số mở rộng khả năng hòa nhập và cạnh tranh
toàn cầu. Nhiều quốc gia đã và đang sử dụng tài sản số như một công cụ để nâng
cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Phát triển tài sản số không chỉ tạo ra cơ hội
kinh tế mới mà còn định hình vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Thống kê đưa ra từ VBA cho thấy, Việt Nam có đến 17 triệu sở
hữu tài sản mã hóa trong năm 2024, đứng hạng 7 toàn cầu. Dòng vốn từ thị trường
blockchain vào Việt Nam năm 2023-2024 lên đến trên 105 tỉ USD, lợi nhuận 1,2 tỉ
USD vào năm 2023.
Những điều này cho thấy, việc một khung pháp lý rõ ràng, đồng
bộ và tiên tiến là yếu tố quyết định để phát triển tài sản số, từ đó thúc đẩy nền
kinh tế số.
Thách thức
Trên thế giới nhiều quốc gia đã triển khai những chính sách
pháp lý quan trọng về tài sản số. Chẳng hạn, Singapore đã xây dựng môi trường
pháp lý linh hoạt và hỗ trợ đổi mới, thông qua các chính sách khuyến khích phát
triển công nghệ blockchain, đồng thời tăng cường quản lý rủi ro tài chính. Mỹ
hay Liên minh châu Âu cũng đã có những quy định rõ ràng về việc này.
Theo ông Trung, với Việt Nam tài sản số vẫn là một vấn đề mới,
phức tạp, hiện trên thế giới cũng chưa có khung pháp lý đầy đủ về vấn đề này.
Vì thế, Dự thảo Luật bước đầu có quy định một số nội dung cơ bản về tài sản số
như định nghĩa, tiêu chí xác định, nguyên tắc quản lý và trách nhiệm của các cơ
quan.
Theo ông, tài sản số đặt ra 3 thách thức lớn. Về mặt pháp
lý, cần định nghĩa rõ tài sản số là gì, quyền sở hữu và trách nhiệm liên quan đến
tài sản số như thế nào. Bên cạnh đó, việc đảm bảo tính an toàn, bảo mật, và quản
lý rủi ro trong các giao dịch tài sản số là vấn đề không thể bỏ qua.
Về mặt quản lý: Làm thế nào để quản lý tài sản số một cách
hiệu quả, nhưng vẫn đảm bảo thúc đẩy đổi mới sáng tạo? Cân bằng giữa bảo vệ lợi
ích người tiêu dùng và khuyến khích sáng tạo doanh nghiệp là một câu hỏi lớn.
Về hội nhập quốc tế: Khi các loại tài sản số không có biên
giới, việc xây dựng một khung pháp lý tiệm cận với thông lệ quốc tế là điều tất
yếu để Việt Nam không bị tụt hậu.
Văn phòng Sở
Nguồn: https://laodong.vn