Việt Nam thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng thế nào?
Việt Nam
thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng thế nào?
Theo Chính phủ, Việt Nam đã thể hiện trách nhiệm là
một thành viên tích cực của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC)
trong thời gian qua.
Chính phủ nhận định tham nhũng vẫn là vấn nạn chung của thế
giới và khu vực thời gian tới với những diễn biến phức tạp, khó lường. Ảnh minh
họa. Nguồn: Internet
UNCAC được Chủ tịch nước phê chuẩn và có hiệu lực với
Việt Nam từ ngày 18/9/2009. Đây được coi là sự kiện chính trị - pháp lý quan
trọng thể hiện quyết tâm và cam kết của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế trong
công cuộc phòng, chống tham nhũng (PCTN).
Chú trọng hoàn thiện pháp luật cả phòng ngừa, phát
hiện và xử lý tham nhũng
Đánh giá về thực hiện UNCAC, Chính phủ nhấn mạnh, Việt
Nam luôn nỗ lực hiện thực hóa những cam kết của mình bằng những chính sách,
giải pháp tổng thể và có hệ thống.
“Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong
hoàn thiện chính sách, pháp luật về PCTN theo hướng nâng cao mức độ tuân thủ
các yêu cầu của công ước, đặc biệt là các yêu cầu bắt buộc”, báo cáo của Chính
phủ tổng kết Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020 và Kế hoạch thực hiện UNCAC
nêu.
Thực tế cho thấy, hoàn thiện chính sách, pháp luật
được Việt Nam chú trọng toàn diện ở cả khía cạnh phòng ngừa và phát hiện, xử lý
tham nhũng.
Trong đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung
năm 2017) đã quy định tội phạm đối với hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp,
tổ chức ở khu vực ngoài Nhà nước (gồm các tội: Tham ô, nhận hối lộ, môi giới
hối lộ và đưa hối lộ); quy định là tội phạm với hành vi đưa hối lộ cho công
chức nước ngoài, công chức của các tổ chức công quốc tế; đồng thời, quy định
trách nhiệm hình sự của pháp nhân.
Luật PCTN năm 2018 cũng đưa ra hàng loạt biện pháp mới
dựa trên những kết quả đánh giá việc thực thi công ước của Việt Nam, như mở
rộng chủ thể là người có chức vụ, quyền hạn, các hành vi tham nhũng trong doanh
nghiệp, tổ chức ở khu vực ngoài Nhà nước; quy định về trách nhiệm giải trình và
kiểm soát tài sản, thu nhập.
Theo Chính phủ, việc sửa đổi, bổ sung các đạo luật
quan trọng đều giúp tăng cường sự công khai, minh bạch trong hoạt động công vụ;
quản lý, sử dụng có hiệu quả tài chính công, tài sản công; cũng như nâng cao
hiệu quả phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật nói chung và hành vi tham
nhũng nói riêng.
“Việt Nam đã tuân thủ và thực hiện tốt các yêu cầu của
công ước”, Chính phủ khái quát. Dù vậy, vẫn còn một số nội dung mà pháp luật
Việt Nam chưa tuân thủ đầy đủ hoặc chưa thực hiện.
Nghiên cứu mô hình cơ quan chuyên trách chống tham
nhũng
Việt Nam chưa tuân thủ đầy đủ yêu cầu hình sự hoá các
hành vi hối lộ công chức quốc gia; hối lộ công chức nước ngoài hoặc công chức
của Tổ chức quốc tế công. Bởi những quy định về hành vi, đối tượng, hình thức,
chủ thể tội phạm liên quan đến vấn đề này tại Bộ luật Hình sự và Luật PCTN “còn
hẹp”.
Tính độc lập của cơ quan phòng ngừa tham nhũng cũng
chưa tuân thủ đầy đủ. Việt Nam đã thành lập các cơ quan thực hiện chống tham
nhũng như Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực; các cơ quan kiểm tra của
Đảng, thanh tra, kiểm toán, công an, viện kiểm sát, tòa án, thi hành án, các cơ
quan tư pháp trong quân đội.
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế,
buôn lậu (C03), Bộ Công an; Cục PCTN, Thanh tra Chính phủ; Vụ Thực hành quyền
công tố và Kiểm sát điều tra án tham nhũng, chức vụ (Vụ 5), Viện KSND Tối cao
là các đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng. Tuy nhiên, theo đánh giá
và khuyến nghị của các chuyên gia quốc tế, một số cơ quan trên chưa thực sự độc
lập về cơ cấu tổ chức và hoạt động.
Để thực hiện yêu cầu của công ước, pháp luật Việt Nam
đã có nhiều quy định bảo đảm tính độc lập trong hoạt động của cơ quan chức năng
về PCTN, nhất là các cơ quan tố tụng.
Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực đã chỉ đạo
nghiên cứu, hoàn thiện chính sách, pháp luật để tăng cường hơn nữa tính độc lập
cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị chuyên trách PCTN.
Ban Nội chính Trung ương đang chủ trì phối hợp với các
cơ quan, bộ, ngành nghiên cứu xây dựng Đề án “Nghiên cứu mô hình cơ quan, đơn
vị chuyên trách chống tham nhũng”.
Hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp có nhiều khó
khăn
Hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp là yêu cầu
Việt Nam “chưa tuân thủ”. Theo báo cáo của Chính phủ, đây là quy định mang tính
tùy nghi và trong tuyên bố, Việt Nam không chịu ràng buộc bởi điều này.
Nhiều khó khăn khi thực hiện nội luật hóa vấn đề này ở
Việt Nam đã được Chính phủ chỉ ra. Đó là, pháp luật Việt Nam chưa có các quy
định để xử lý tài sản của cá nhân khi không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp;
chưa có quy định xử lý tài sản với cán bộ, công chức, viên chức kê khai tài
sản, thu nhập không giải trình được nguồn gốc tài sản hợp pháp.
Trong khi, xác định được mối liên hệ giữa tài sản bất
hợp pháp với hành vi vi phạm pháp luật của chủ thể vi phạm thường kéo dài và
khó khăn.
Dù vậy, Luật PCTN bước đầu đã quy định và đặt nền móng
cho việc hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính trong kê khai tài sản, thu
nhập; giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực với
các hình thức như xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử; người dự kiến bổ
nhiệm, phê chuẩn; cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc
hoặc bãi nhiệm, đưa khỏi danh sách quy hoạch.
Thủ tướng đã giao Bộ Tư pháp xây dựng Đề án “Nghiên
cứu vấn đề xử lý hình sự về hành vi làm giàu bất hợp pháp” nhằm tăng cường hiệu
quả đấu tranh PCTN.
Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn sẽ nghiên cứu đưa nội
dung hình sự hóa trách nhiệm pháp nhân tham nhũng trong chương trình sửa đổi,
bổ sung pháp luật hình sự.
Theo Chính phủ, việc mở rộng hình sự hoá với các hành
vi tham nhũng trong khu vực tư hay quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân
thời gian tới là những căn cứ quan trọng để Việt Nam đáp ứng đầy đủ yêu cầu
tương trợ tư pháp hình sự của công ước.
Tham nhũng vẫn là vấn nạn với diễn biến phức tạp, khó
lường
Nhận định tham nhũng vẫn là vấn nạn chung của thế giới
và khu vực thời gian tới với những diễn biến phức tạp, khó lường, Chính phủ
nhấn mạnh, cần ban hành Chiến lược Quốc gia PCTN và Kế hoạch thực hiện UNCAC
cho giai đoạn đến năm 2023.
Bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật
liên quan đến PCTN, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực nhạy
cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, như: Công tác tổ chức cán bộ, quản lý
đất đai, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, thị trường chứng
khoán...
PCTN trong khu vực ngoài Nhà nước cũng cần tiếp tục
hoàn thiện; củng cố, hoàn thiện mô hình tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động
của các cơ quan có chức năng về PCTN, tiêu cực; tăng cường hợp tác quốc tế về
PCTN, nhất là các hoạt động tương trợ tư pháp, dẫn độ tội phạm bỏ trốn, truy
thu tài sản tham nhũng bị tẩu tán ra nước ngoài…
Thanh tra Sở Nội
vụ Bình Thuận
Nguồn: https://thanhtra.com.vn/theo-dong-thoi-cuoc/viet-nam-thuc-hien-cong-uoc-cua-lien-hop-quoc-ve-chong-tham-nhung-the-nao-209936.html