Một số nội dung cơ bản của Thông tư số 04/2021/TT-TTCP quy định về quy trình tiếp công dân
Một số
nội dung cơ bản của Thông tư số 04/2021/TT-TTCP quy định về quy trình tiếp công
dân
Ngày
01/10/2021, Tổng Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư số 04/2021/TT-TTCP về
quy định quy trình tiếp công dân. Mục đích của việc tiếp công dân nhằm hướng
dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đúng quy
định pháp luật, góp phần tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Đồng thời, tiếp nhận
khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết của người
đứng đầu cơ quan, đơn vị để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Thông
tư số 04/2021/TT-TTCP gồm có 04 chương, 12 điều cụ thể như sau:
Chương I. Những quy định
chung (Điều 1 đến Điều 4), quy định phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, mục
đích của việc tiếp công dân, việc từ chối tiếp công dân.
Chương II. Tiếp người khiếu
nại, người tố cáo, người kiến nghị, phản ánh (từ Điều 5 đến Điều 8), quy định
việc xác định nhân thân của người khiếu nại, người tố cáo, người kiến nghị,
phản ánh; xác định tính hợp pháp của người đại diện, người được ủy quyền, luật
sư hoặc trợ giúp viên pháp lý; tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản
ánh; phân loại, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Chương III. Tiếp công dân và
quản lý, theo dõi việc tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, đơn vị (từ
Điều 9 đến Điều 11), quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị
trong việc trực tiếp tiếp công dân; trách nhiệm của Ban tiếp công dân, công
chức, viên chức được giao nhiệm vụ giúp người đứng đầu cơ quan, đơn vị tiếp
công dân và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị có liên quan; theo dõi, quản lý
việc tiếp công dân.
Chương IV. Điều khoản thi
hành (Điều 12).
MỘT SỐ
NỘI DUNG CHỦ YẾU
1. Việc từ chối tiếp công dân
Người
tiếp công dân được từ chối tiếp công dân trong các trường hợp quy định
tại khoản 1 và khoản 2 Điều 9 Luật Tiếp công dân và
phải giải thích cho công dân được biết lý do từ chối tiếp, đồng thời báo cáo
người phụ trách tiếp công dân.
Trường
hợp từ chối tiếp công dân theo quy định tại khoản 3 Điều 9
Luật Tiếp công dân thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị phụ trách tiếp
công dân ra Thông báo từ chối tiếp công dân.
2. Xác định nhân thân
của người khiếu nại, người tố cáo, người kiến nghị, phản ánh
Khi
tiếp người khiếu nại, người tiếp công dân yêu cầu họ nêu rõ họ tên, địa chỉ và
xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy giới thiệu, giấy ủy quyền (nếu có).
Khi
tiếp người tố cáo, người kiến nghị, phản ánh, người tiếp công dân yêu cầu người
tố cáo, người kiến nghị, phản ánh nêu rõ họ tên, địa chỉ và xuất trình giấy tờ
tùy thân.
Trong
quá trình tiếp người tố cáo, người tiếp công dân phải giữ bí mật họ tên, địa
chỉ, bút tích người tố cáo theo quy định của pháp luật về tố cáo.
3. Tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến
nghị, phản ánh
Khi
công dân đến trình bày trực tiếp và không có đơn thì người tiếp công dân hướng
dẫn công dân viết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc ghi chép đầy
đủ, trung thực, chính xác nội dung trình bày của công dân; nội dung nào chưa rõ
thì đề nghị công dân trình bày thêm, sau đó đọc lại cho công dân nghe và đề
nghị họ ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản.
Trường
hợp công dân đến trình bày và có đơn với nội dung cụ thể, rõ ràng, có thể xác
định được rõ tính chất vụ việc và cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì người
tiếp công dân hướng dẫn công dân gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền để được xem
xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Trường
hợp nhiều người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về cùng một nội dung
thì người tiếp công dân hướng dẫn họ cử người đại diện để trình bày; ghi lại
nội dung trình bày và đề nghị người đại diện ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào
văn bản.
Trường
hợp công dân trình bày nhiều nội dung, vừa có nội dung khiếu nại, vừa có nội
dung tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì người tiếp công dân hướng dẫn công dân
thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp
luật.
Việc
tiếp nhận, ghi chép nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và việc
hướng dẫn công dân viết đơn phải được ghi vào Sổ tiếp công dân hoặc được nhập
vào phần mềm cơ sở dữ liệu về tiếp công dân.
4. Trách nhiệm của người
đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc trực tiếp tiếp công dân
Người
đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp tiếp công dân để lắng nghe, xem xét,
giải quyết và chỉ đạo việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản
ánh thuộc thẩm quyền của mình hoặc thuộc thẩm quyền của người đứng đầu cơ quan,
đơn vị cấp dưới trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn và giải quyết khiếu
nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Người
đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tiếp công dân định kỳ hoặc đột xuất
theo quy định của Luật Tiếp công dân và
kiểm tra, đôn đốc việc xử lý sau tiếp công dân của các cơ quan, đơn vị.
Việc
tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải được công chức, viên chức
giúp việc ghi chép đầy đủ vào Sổ tiếp công dân hoặc nhập thông tin vào Cơ sở dữ
liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến
nghị, phản ánh hoặc phần mềm quản lý công tác tiếp công dân và được lưu tại nơi
tiếp công dân. Ý kiến chỉ đạo của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc
giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại Trụ sở tiếp công dân
phải được lập thành văn bản và gửi cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên
quan để triển khai thực hiện theo đúng yêu cầu, nội dung chỉ đạo; ấn định thời
gian giải quyết phù hợp với quy định của pháp luật và cơ quan, tổ chức, đơn vị
có trách nhiệm giải quyết phải gửi kết quả giải quyết cho công dân được biết.
Khi
tiếp công dân, nếu vụ việc rõ ràng, cụ thể, có cơ sở và thuộc thẩm quyền giải
quyết thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trả lời ngay cho công dân biết;
nếu vụ việc phức tạp cần nghiên cứu, xem xét thì nói rõ thời hạn giải quyết và
người cần liên hệ để biết kết quả giải quyết.
Kết
thúc việc tiếp công dân, người đứng đầu cơ quan, đơn vị ra thông báo kết luận
việc tiếp công dân./.
Thanh tra Sở Nội vụ