Phát
triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao
Thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, xung kích, sáng tạo,
đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do đó thời gian qua, Bình
Thuận luôn chú trọng triển khai nhiều giải pháp để góp phần xây dựng thế hệ
thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện, phát huy tinh thần xung kích, tình
nguyện của thanh niên. Đồng thời tập trung phát triển nguồn nhân lực trẻ chất
lượng cao để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế.
Tư
vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho học sinh các trường THPT
Tập trung đào tạo nghề
Để thực hiện có hiệu quả các giải pháp giải quyết việc làm,
tư vấn, giới thiệu việc làm cho thanh niên trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã ban
hành các văn bản triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động là đối tượng
thanh niên, nhất là thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an
trên địa bàn tỉnh. Đối với công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, tỉnh
đã kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất trong và ngoài tỉnh, doanh nghiệp xuất khẩu
lao động cùng phối hợp với Tỉnh đoàn và các địa phương tổ chức tư vấn đào tạo
nghề, giới thiệu việc làm, hội thảo thanh niên học nghề, lập nghiệp tại các địa
phương trong tỉnh. Qua đó tuyên truyền giới thiệu cho thanh niên các chủ
trương, chính sách của Nhà nước, của tỉnh về công tác dạy nghề, giải quyết việc
làm. Nhờ vậy trong năm 2024, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 27.906 lao động,
trong đó lao động trong độ tuổi thanh niên là hơn 15.000 người, chiếm 54%. Đưa
đi làm việc ở nước ngoài 468 lao động, đảm bảo 100% thanh niên trước khi đi làm
việc có thời hạn ở nước ngoài được học tập, phổ biến các quy định pháp luật Việt
Nam, pháp luật nước sở tại và các văn bản pháp lý có liên quan về quyền, nghĩa
vụ của người lao động, người sử dụng lao động...
Ngoài ra, Đoàn thanh niên các cấp đã tổ chức các hoạt động
tư vấn, hướng nghiệp cho 100.119 thanh thiếu niên, trong đó số người tìm được
việc làm là 12.654 lao động. Tổ chức đào tạo nghề cho 7.544 người, phần lớn đối
tượng tham gia đào tạo nghề là thanh niên, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào
tạo bằng các hình thức đạt 224,72% so cùng kỳ năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào
tạo nghề được cấp bằng hoặc chứng chỉ nghề đạt 31,18%. Ngành nghề đào tạo chủ yếu
gồm: Điện công nghiệp, công nghệ ô tô, công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, quản
trị khu resort, kỹ thuật chế biến món ăn, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không
khí, quản trị mạng máy tính, kế toán doanh nghiệp, quản trị kinh doanh nhà hàng
khách sạn, dược, điều dưỡng, trồng và chăm sóc cây thanh long theo tiêu chuẩn
VietGAP, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thú y, bảo vệ thực vật, trồng nấm, trồng
rau an toàn…
Trường
ĐH Phan Thiết đưa sinh viên đi thực tập tại Đà Lạt
Nhằm khuyến khích, phát huy tài năng, phát triển nguồn nhân
lực trẻ chất lượng cao trên tất cả các lĩnh vực để đáp ứng nhu cầu phát triển
kinh tế - xã hội; UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị căn cứ chức
năng, nhiệm vụ theo ngành, lĩnh vực được giao tham mưu cấp có thẩm quyền ban
hành và triển khai thực hiện các chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất
lượng cao từ các nơi về cống hiến cho tỉnh, tạo môi trường làm việc hấp dẫn, chế
độ đãi ngộ cao. Tuy nhiên trong năm 2024, tỉnh chưa tuyển dụng được đối tượng
là sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ về công tác tại tỉnh.
Nguyên nhân do nguồn lực của tỉnh còn hạn chế, chính sách đãi ngộ vật chất đối
với sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ thông qua tiền lương tuy
đã được nâng cao nhưng chưa tương xứng so với khu vực tư nhân nên khó thu hút
được đối tượng này...
Hỗ trợ tối đa cho thanh niên
Thời gian qua, tỉnh cũng rất chú trọng hỗ trợ vốn vay cho đối
tượng thanh niên phát triển kinh tế, thông qua các chương trình liên tịch giữa
tổ chức Đoàn thanh niên với các ngân hàng, đến cuối năm 2024 các tổ tiết kiệm
vay vốn giúp nhau sản xuất, phát triển kinh tế do Đoàn thanh niên đang quản lý
hơn 540 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội là
460 tỷ đồng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 79,926 tỷ đồng,
nguồn vốn 120 của Trung ương Đoàn hỗ trợ giải quyết việc làm cho thanh niên được
duy trì tại tỉnh với tổng số vốn là 850 triệu đồng/7 dự án. Từ các nguồn vốn
vay, thanh niên đã chủ động trong phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc
làm, tăng thu nhập, làm giàu cho bản thân, gia đình và đóng góp vào sự phát triển
kinh tế - xã hội ở địa phương.
Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ nhu cầu
sinh hoạt, vui chơi giải trí cho thanh niên luôn được tỉnh quan tâm xây dựng, đầu
tư sửa chữa, nâng cấp. Hiện nay, hầu hết các huyện, thị xã, thành phố đều có
nhà tập luyện thể dục thể thao, sân bãi các môn như: Bóng đá, bóng chuyền và một
số phòng tập khác. Đến nay toàn tỉnh có 2 nhà thi đấu đa năng, 1 Trung tâm Sinh
hoạt dã ngoại thanh thiếu niên, 1 Trung tâm Văn hóa tỉnh, 10/10 trung tâm văn
hóa và thể thao cấp huyện, có 101/124 nhà văn hóa - thể thao xã (trong đó có 69
cơ sở cơ bản đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); có
671/691 thôn, khu phố có nhà văn hóa - khu thể thao hoặc trụ sở sinh hoạt cộng
đồng, đảm bảo địa điểm tổ chức cho thanh niên sinh hoạt và hội họp, luyện tập
thể thao...
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được các
cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là tổ chức Đoàn thanh niên các cấp tổ chức
thường xuyên với quy mô mở rộng, hình thức đa dạng. Nhiều hoạt động vui chơi,
giải trí lành mạnh, các sân chơi phù hợp với từng lứa tuổi được tổ chức, chú trọng
các hoạt động phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Thời gian tới, các đơn vị cần
phối hợp với Tỉnh đoàn nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng, những vấn đề thanh niên
quan tâm để tham mưu cơ chế, chính sách tạo môi trường thuận lợi nhằm huy động
tối đa các nguồn lực phát triển thanh niên. Trong đó chú trọng các chính sách đặc
thù hỗ trợ thanh niên học tập, nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp, vay vốn phát
triển du lịch, kinh tế - xã hội, nhóm thanh niên dễ bị tổn thương, thanh niên
vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó
khăn...
Phòng
XDCQ&CTTN
(Nguồn: Báo Bình Thuận
Online)