Thanh tra Sở theo quy định của Luật Thanh tra năm 2022
Lượt xem: 232

Thanh tra Sở theo quy định của Luật Thanh tra năm 2022

 

 

Thanh tra sở là cơ quan của sở, thực hiện nhiệm vụ thanh tra trong phạm vi mà sở được giao tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật (khoản 1 Điều 26 Luật Thanh tra năm 2022).

Theo quy định tại Điều 26 Luật Thanh tra năm 2022, Thanh tra sở được thành lập trong các trường hợp sau đây:

- Theo quy định của luật;

- Tại sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ;

- Tại sở do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương và biên chế được giao.

Tại những sở không thành lập cơ quan thanh tra, Giám đốc sở giao đơn vị thuộc sở thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Qua tổng kết thi hành Luật Thanh tra năm 2010 cho thấy, ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hiện có từ 15 đến 19 tổ chức Thanh tra sở. Biên chế tại các sở hiện nay còn hạn chế, tại nhiều sở biên chế chỉ có dưới 50 người, cá biệt có sở chỉ có dưới 30 biên chế. Do biên chế mỏng, cơ quan thanh tra được thành lập dàn trải ở nhiều sở nên một số cơ quan chỉ được bố trí được từ 01 đến 02 biên chế, dẫn đến hoạt động nặng về hình thức, không hiệu quả. Vì vậy, Luật Thanh tra năm 2022 quy định theo hướng không phải tất cả các sở đều thành lập cơ quan thanh tra để tránh dàn trải.

Ngày 11/01/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 03/2024/NĐ-CP quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; theo đó, tại khoản 1 Điều 17 Nghị định trên quy định Thanh tra sở được thành lập theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 26 của Luật Thanh tra bao gồm:

a) Thanh tra Sở Công Thương;

b) Thanh tra Sở Giao thông vận tải;

c) Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo;

d) Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư;

đ) Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ;

e) Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;

g) Thanh tra Sở Nội vụ;

h) Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

i) Thanh tra Sở Tài chính;

k) Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường;

l) Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông;

m) Thanh tra Sở Tư pháp;

n) Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao, Thanh tra Sở Du lịch;

o) Thanh tra Sở Xây dựng;

p) Thanh tra Sở Y tế.

Để đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Thanh tra sở, khắc phục bất cập, hạn chế nêu trên, Luật quy định theo hướng giao quyền chủ động cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Thanh tra sở căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước ở địa phương và biên chế được giao, trừ một số trường hợp đặc thù do luật định và theo quy định của Chính phủ. Quy định như vậy bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong thực hiện quản lý nhà nước trên địa bàn.

Đối với các sở không thành lập Thanh tra sở thì Thanh tra tỉnh thực hiện nhiệm vụ thanh tra đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của sở (điểm đ khoản 1 Điều 23)./.

Thanh tra Sở-Sở Nội vụ

Đăng nhập
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang