Những nội dung cơ bản và điểm mới của Luật Thanh tra năm 2022
Lượt xem: 58

Những nội dung cơ bản và điểm mới của Luật Thanh tra năm 2022

 

 

1. Những nội dung cơ bản của Luật Thanh tra năm 2022

Ngày 14/11/2022, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV đã thông qua Luật Thanh tra năm 2022 số 11/2022/QH15 thay thế Luật Thanh tra năm 2010 số 56/2010/QH12. Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Lệnh công bố, Luật có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2023. Theo đó, Luật Thanh tra năm 2022 được ban hành gồm 8 chương, 119 điều với những nội dung cơ bản như sau:

- Chương I: Những quy định chung, gồm 8 điều (từ Điều 1 đến Điều 8). Chương này quy định về phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ, mục đích, nguyên tắc hoạt động thanh tra, chức năng của cơ quan thanh tra, trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong công tác thanh tra, kiểm tra; trách nhiệm phối hợp giữa cơ quan thực hiện chức năng thanh tra với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra.

- Chương II: Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, gồm 29 điều (từ Điều 9 đến Điều 37). Chương này gồm 8 mục: Mục 1 quy định về Thanh tra Chính phủ (từ Điều 10 đến Điều 13); Mục 2 quy định về Thanh tra Bộ (từ Điều 14 đến Điều 17); Mục 3 quy định về Thanh tra Tổng cục, Cục (từ Điều 18 đến Điều 21); Mục 4 quy định về Thanh tra tỉnh (từ Điều 22 đến Điều 25); Mục 5 quy định về Thanh tra sở (từ Điều 26 đến Điều 29); Mục 6 quy định về Thanh tra huyện (từ Điều 30 đến Điều 33); Mục 7 quy định về cơ quan thanh tra ở Cơ quan thuộc Chính phủ (từ Điều 34 đến Điều 35); Mục 8 quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (từ Điều 36 đến Điều 37). 

- Chương III: Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành: gồm 06 điều (từ Điều 38 đến Điều 43) quy định về Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành; tiêu chuẩn bổ nhiệm vào các ngạch Thanh tra viên, Thanh tra viên chính, Thanh tra viên cao cấp; miễn nhiệm thanh tra viên; trang phục, thẻ thanh tra.

- Chương IV: Hoạt động thanh tra, gồm 58 điều (từ Điều 44 đến Điều 101). Chương này gồm 7 mục, Mục 1 gồm 14 điều (từ điều 44 đến Điều 57) quy định chung về xây dựng, ban hành Định hướng chương trình thanh tra; xây dựng, ban hành kế hoạch thanh tra; hình thức thanh tra; thời hạn thanh tra; gia hạn thời hạn thanh tra; trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra hành chính; trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành; căn cứ ra quyết định thanh tra; trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra; bảo đảm kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động thanh tra; xử lý hành vi vi phạm pháp luật của người tiến hành thanh tra; xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra; thanh tra lại; hồ sơ thanh tra. Mục 2 quy định về chuẩn bị thanh tra (từ Điều 58 đến Điều 63). Mục 3 quy định về tiến hành thanh tra trực tiếp (từ Điều 64 đến Điều 72). Mục 4 quy định về kết thúc cuộc thanh tra (từ Điều 73 đến Điều 79). Mục 5 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của người tiến hành thanh tra (từ Điều 80 đến Điều 91). Mục 6 quy định về quyền và nghĩa vụ của đối tượng thanh tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong hoạt động thanh tra (từ Điều 92 đến Điều 96). Mục 7 quy định về Giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra (từ Điều 97 đến Điều 101).  

 - Chương V: Thực hiện Kết luận thanh tra, gồm 05 điều (từ Điều 102 đến Điều 106) quy định về Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan thanh tra trong việc ban hành kết luận thanh tra; trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước; trách nhiệm của đối tượng thanh tra, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra; xử lý vi phạm trong thực hiện kết luận thanh tra.

- Chương VI: Phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra, gồm 05 điều (từ Điều 107 đến Điều 111) quy định về trách nhiệm phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra; trách nhiệm của Tổng Thanh tra Chính phủ và Tổng Kiểm toán nhà nước; trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan thực hiện chức năng thanh tra và Trưởng kiểm toán khu vực, chuyên ngành; tham khảo ý kiến trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; trách nhiệm của cơ quan điều tra.

- Chương VII: Điều kiện bảo đảm hoạt động của cơ quan thanh tra, gồm 02 điều (từ Điều 112 đến Điều 113) quy định về kinh phí hoạt động của cơ quan thanh tra nhà nước; chế độ, chính sách đối với Thanh tra viên; đầu tư hiện đại hóa hoạt động thanh tra.

- Chương VIII: Điều khoản thi hành, gồm 05 điều (từ Điều 114 đến Điều 118) quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra của thanh tra trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, cơ quan cơ yếu Chính phủ; tổ chức, hoạt động thanh tra nội bộ; sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan đến thanh tra; hiệu lực thi hành; quy định chuyển tiếp.

2. Những điểm mới của Luật Thanh tra năm 2022

2.1. Về thẩm quyền ban hành Quyết định thanh tra

Thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra là một trong những nội dung mới của Luật Thanh tra 2022. Trước đây, theo quy định của Luật Thanh tra 2010, thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra gồm có thủ trưởng cơ quan thanh tra và thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước (Điều 43 và Điều 51 Luật Thanh tra 2010). Nhằm đề cao vai trò của các cơ quan thanh tra, tăng cường tính chuyên nghiệp, tính tự chịu trách nhiệm trong hoạt động thanh tra, phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn giữa Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước và Thủ trưởng cơ quan thanh tra, Luật Thanh tra 2022 quy định chỉ có Thủ trưởng cơ quan thanh tra được ban hành quyết định thanh tra. Cụ thể, khoản 1 Điều 59 Luật Thanh tra 2022 quy định: Thủ trưởng cơ quan thanh tra căn cứ quy định tại Điều 51 của Luật này ban hành quyết định thanh tra.

Đối với các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thì thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra thuộc về Thủ trưởng cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành. Cụ thể, khoản 2 Điều 37 Luật Thanh tra 2022 quy định: Trong hoạt động thanh tra, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng cơ quan thanh tra (trong đó có thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra). Do vậy, Thủ trưởng cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành có thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra.

2.2. Về hoạt động thanh tra

Theo quy định của Luật Thanh tra 2022, trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra bao gồm các bước: chuẩn bị thanh tra; tiến hành thanh tra trực tiếp; kết thúc cuộc thanh tra.

Như vậy, khác với Luật Thanh tra 2010, các quy định về trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra được quy định ngay trong Luật Thanh tra năm 2022 để bảo đảm việc tiến hành thanh tra tuân thủ đúng quy định, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra.

Ở mỗi bước, Luật quy định trình tự, thủ tục rất chặt chẽ để tiến hành một cuộc thanh tra từ thành lập đoàn thanh tra, thu thập thông tin, chuẩn bị thanh tra, tiến hành thanh tra trực tiếp, ra kết luận thanh tra. Đây chính là điểm quan trọng để phân biệt hoạt động thanh tra, dù là thanh tra hành chính hay chuyên ngành cũng phải được tiến hành bài bản, chuyên nghiệp, khác với hoạt động kiểm tra thường xuyên được thực hiện linh hoạt, đáp ứng yêu cầu nhanh gọn, bảo đảm trật tự, kỷ cương trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Luật Thanh tra 2022 quy định riêng về trình tự, thủ tục thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành.

Tuy nhiên, để đảm bảo phù hợp với đặc thù trong hoạt động thanh tra của một số ngành, lĩnh vực, Điều 50 Luật Thanh tra quy định:

- Trường hợp luật khác có quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành khác với quy định tại Luật này thì thực hiện theo quy định của luật đó.

- Trường hợp để đáp ứng yêu cầu quản lý đặc thù của ngành, lĩnh vực, theo đề nghị của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chính phủ quy định trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành khác với quy định tại Luật này nhưng phải bảo đảm có tối thiểu các thủ tục về ban hành quyết định thanh tra, công bố quyết định thanh tra, tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu, ban hành kết luận thanh tra, công khai kết luận thanh tra.

2.3. Quy định về thẩm định dự thảo kết luận thanh tra và giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra

- Về thẩm định dự thảo kết luận thanh tra:

Để bảo đảm kết luận thanh tra được chính xác, khách quan và có tính khả thi, Luật quy định về việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra theo hướng chỉ bắt buộc đối với một số cấp thanh tra. Cụ thể là: Dự thảo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, dự thảo kết luận thanh tra hành chính của Thanh tra Bộ và Thanh tra tỉnh phải được thẩm định trước khi ký ban hành. Việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ và Thanh tra tỉnh, dự thảo kết luận thanh tra của các cơ quan thanh tra khác được thực hiện khi cần thiết.

Người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định việc phân công đơn vị, cá nhân thực hiện việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra để bảo đảm mục đích, yêu cầu và các nội dung theo quyết định thanh tra và kế hoạch tiến hành thanh tra được phê duyệt. Việc phân công thẩm định dự thảo kết luận thanh tra phải bằng văn bản, trong đó ghi rõ nội dung và thời hạn thẩm định.

- Về giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra:

Trên cơ sở tổng kết thực tiễn công tác thanh tra những năm qua, nhiều quy định về việc giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra trước khi chỉ quy định có tính nguyên tắc và được quy định trong các văn bản dưới luật thì nay đã được quy định đầy đủ, cụ thể trong Luật Thanh tra năm 2022.

2.4. Thanh tra viên

Các quy định về thanh tra viên cũng có nhiều điểm mới. Do tính chất đa dạng của các tổ chức thanh tra nên Luật Thanh tra năm 2022 quy định tiêu chuẩn thanh tra viên nói chung nhưng cũng giao Chính phủ quy định về thanh tra viên trong những lĩnh vực đặc thù mà không phải là công chức (thanh tra viên là viên chức ở cơ quan thuộc Chính phủ - khoản 3 Điều 38 Luật Thanh tra 2022). Quy định về cộng tác viên tại Luật Thanh tra 2010 là không phù hợp nên đã không được quy định trong Luật Thanh tra 2022 bởi vì những công chức được trưng tập vào Đoàn thanh tra thì họ là thành viên của đoàn thanh tra, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn như mọi thành viên khác của Đoàn.

2.5. Chế định thanh tra nhân dân

Luật Thanh tra năm 2004 và năm 2010 quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra nhân dân. Nhưng thực chất thanh tra nhân dân là hoạt động giám sát của nhân dân ở cơ sở, nếu để trong Luật Thanh tra sẽ không phù hợp, đôi khi còn gây ra nhầm lẫn giữa thanh tra nhân dân và thanh tra nhà nước. Vì vậy, Luật Thanh tra 2022 không quy định về thanh tra nhân dân. Nội dung này được quy định tại Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở./.

Thanh tra Sở-Sở Nội vụ

Đăng nhập
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang