Lễ hội Katê - Điểm đến thú vị cho du khách
Lượt xem: 507

Lễ hội Katê - Điểm đến thú vị cho du khách

Lễ hội Katê của đồng bào Chăm tỉnh Bình Thuận sẽ được tổ chức trang nghiêm theo đúng phong tục tập quán truyền thống của người Chăm địa phương, với sự tham gia của cộng đồng người Chăm toàn tỉnh. Lễ hội năm nay diễn ra vào ngày 13 - 14/10/2023, hứa hẹn là hoạt động trải nghiệm thú vị của du khách trong chuyến du lịch Phan Thiết vào dịp cuối tuần này.

anh tin bai

Lễ cúng tại tháp Pô Sah Inư

Katê là lễ hội dân gian có từ lâu đời và đặc sắc nhất của người Chăm theo đạo Bàlamôn ở Bình Thuận với ý nghĩa tưởng nhớ đến các vị thần và cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi, lứa đôi hòa hợp, con người và vạn vật sinh sôi nảy nở. Vào lễ hội Katê, không chỉ người Chăm ở Bình Thuận mà người Chăm đang sinh sống, làm việc ở khắp mọi nơi đều trở về đoàn tụ và quây quần cùng gia đình, bạn bè, người thân.

anh tin bai

Múa Chăm

Theo trình tự các nghi thức của lễ hội sẽ bắt đầu từ đền tháp cho đến các làng xã và về mỗi gia đình. Năm 2005, Lễ hội Katê được tỉnh Bình Thuận phục dựng tại tháp Pô Sah Inư (phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết) và trở thành một trong 6 lễ hội tiêu biểu được tỉnh lựa chọn để phát triển du lịch. Từ đó, lễ hội không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh, tình cảm của đồng bào Chăm, mà còn góp phần quảng bá văn hóa, hình ảnh Bình Thuận đến với du khách trong nước và quốc tế.

Cụ thể, Lễ hội Katê tại di tích tháp Pô Sah Inư, gồm phần lễ và phần hội diễn ra hài hòa, gắn kết tạo nên không khí vừa mang nét trang nghiêm, vừa vui tươi, lành mạnh và đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc. Trong đó, phần lễ được xem là nội dung chính, cốt lõi của lễ hội. Phần lễ do các chức sắc người Chăm huyện Hàm Thuận Bắc điều hành, thực hiện theo quy định tôn giáo, phong tục truyền thống vốn có do ông bà để lại, gồm các nghi thức như thực hiện nghi lễ cúng cầu an, nghi thức múa mừng, thỉnh mời thần linh; mở cửa tháp, tắm bệ thờ Linga - Yoni, mặc trang phục và Đại lễ cúng tạ ơn nữ thần Pô Sah Inư và các vị thần linh (tại tháp chính).

anh tin bai

anh tin bai

Du khách trải nghiệm làm gốm và dệt vải

Đến phần hội, bà con người Chăm đến từ các huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh và Hàm Tân sẽ chia thành các đội và tham gia thi giã gạo, đội nước vượt - chướng ngại vật, thi thổi kèn Saranai, trang trí lễ vật trên Thônla và Cổ bồng để dâng tế nữ thần Pô Sah Inư; diễn xướng, giao lưu nghệ thuật dân gian Chăm tạo không khí phấn khởi, vui tươi và đoàn kết.

anh tin bai

Du khách mua sản phẩn lưu niệm tại tháp

Không chỉ được hòa mình vào đoàn nghinh rước y trang nữ thần Pô Sah Inư lên tháp chính, du khách còn có thể trải nghiệm chơi trò bịt mắt đập niêu hay nặn đồ gốm, dệt vải - đây là hai nghề thủ công truyền thống của đồng bào Chăm vẫn còn được lưu giữ.

Bình Thuận có hơn 40.000 người Chăm sinh sống. Đồng bào luôn ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc, trong đó có nét văn hóa độc đáo của Lễ hội Katê. Ngày 4/4/2022, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, cần thiết để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong tỉnh nói chung và Lễ hội Katê của người Chăm nói riêng.

Trích nguồn Báo Bình Thuận

Ban Tôn giáo-Sở Nội vụ

Đăng nhập
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang