48/63 tỉnh, thành đã triển khai đề án thành phố thông minh
Lượt xem: 51

48/63 tỉnh, thành đã triển khai đề án thành phố thông minh

 

Việt Nam đang có nhiều chuyển biến tích cực trong việc triển khai các đề án thành phố thông minh hướng đến đô thị hiện đại, phát triển bền vững.

Phát biểu tại buổi khai mạc Hội nghị thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á 2024, diễn ra trong 2 ngày (2 - 3.12.2024), ông Hà Minh Hải - Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội - cho biết: “Hội nghị Thành phố Thông minh Việt Nam - Châu Á 2024” không chỉ là một sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024, mà còn là diễn đàn lớn để Hà Nội và các địa phương khác tại Việt Nam và quốc tế cùng thảo luận, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ các giải pháp chuyển đổi số và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghệ, hướng đến một tương lai đô thị thông minh, hiện đại, phát triển bền vững.

anh tin bai

Với chủ đề xuyên suốt: “Thành phố thông minh - Kinh tế số - Phát triển bền vững”, hội nghị lần này không chỉ gắn với ba mục tiêu chiến lược mà còn phản ánh những trụ cột chính trong tầm nhìn chiến lược, “tầm nhìn mới, tư duy mới toàn cầu" trong phát triển của Thủ đô Hà Nội cũng như các địa phương trong khu vực.

Sự kiện hôm nay chính là cơ hội để các nhà lãnh đạo, các chuyên gia, các doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu cùng nhau thảo luận, xây dựng những giải pháp đột phá trong các lĩnh vực như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, giao thông thông minh, năng lượng sạch, và môi trường bền vững...

Những kinh nghiệm và bài học thực tiễn được chia sẻ tại hội nghị sẽ là động lực quan trọng để Hà Nội và các địa phương trong khu vực nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng các đô thị xanh, thông minh và phát triển bền vững”.

Theo ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch VINASA - thống kê, đến tháng 12.2023, cả nước có 902 đô thị với tỉ lệ đô thị hóa đạt khoảng 42,7%. Tỉ lệ đô thị hóa ngang tầm của Châu Á. Kinh tế đô thị đóng góp khoảng 70% GDP cả nước.

"Với tốc độ đô thị hóa đó, bài toán đặt ra là làm thế nào để tìm kiếm những động lực phát triển mới trong bối cảnh thế giới biến động không ngừng về chính trị, kinh tế, công nghệ... Tôi cho rằng, Kinh tế số, Kinh tế xanh và Công nghệ mới có thể là câu trả lời" - Chủ tịch VINASA chia sẻ.

Thành phố thông minh là một trong những xu thế phát triển chủ đạo của các đô thị trên thế giới cũng như trong khu vực. Là một trong những quốc gia đón đầu xu hướng đó, Việt Nam đang có nhiều chuyển biến tích cực cả về chính sách, môi trường đầu tư lẫn việc nghiên cứu, triển khai và ứng dụng thực tế tại các tỉnh, thành. Theo thống kê, đến nay, có 48/63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam đã triển khai các đề án thành phố thông minh.

Bên cạnh việc triển khai Đề án ở cấp tỉnh cho các đô thị trong toàn tỉnh, một số địa phương đã giao cho các đô thị trực thuộc triển khai phát triển đô thị thông minh ở cấp độ thành phố/thị xã/quận để thực hiện thí điểm trước khi triển khai nhân rộng ở quy mô toàn tỉnh.

Về chính sách, trong vài năm qua, Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông vận tải đều đã ban hành nhiều văn bản pháp lý, khung hướng dẫn nhằm thúc đẩy triển khai đô thị thông minh tại các tỉnh thành phố, đô thị trên toàn quốc.

Đến nay, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện các khâu cuối cùng để ban hành Bộ tiêu chí Đô thị thông minh bền vững phiên bản 1 với 4 mảng: Quy hoạch đô thị thông minh, Quản lý hạ tầng đô thị thông minh, Các tiện ích đô thị thông minh và Nền tảng cơ sở dữ liệu đô thị thông minh. Các cấp độ thông minh của đô thị được xếp thành 4 cấp độ trong đó Cấp độ 1 gồm 16 tiêu chí, Cấp độ 2 có 32 tiêu chí, Cấp độ 3 có 50 tiêu chí, Cấp độ 4 có 60 tiêu chí.

Văn phòng Sở

Nguồn: https://laodong.vn

Đăng nhập
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang